
Đạp xích lô mưu sinh
Những ai sống ở khu vực Bàu Cát, ngã tư Bảy Hiền, thành phố Hồ Chí Minh, không xa lạ với quán Mì Quảng Sâm, tọa lạc khiêm tốn trong đường Ca Văn Thỉnh, phường 11, quận Tân Bình. Quán Mì Quảng Sâm từng xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện truyền thông trong chuyên mục ẩm thực: Hai lần xuất hiện trên HTV9, một lần lên sóng VTV9, chưa kể những bài viết khác.
Có được vinh dự đó, với họ thật không dễ dàng mà là cả một hành trình gian truân. Ông Võ Văn Sâm xuất thân là thầy giáo phụ trách Đội - Đoàn của trường THCS Quế An (xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, quê gốc của ông). Vợ ông làm kế toán cùng trường. Nghỉ việc và lĩnh lương một lần, ông lao vào làm ăn, nhưng thất bại. Suy nghĩ nhiều đêm, năm 1992 ông quyết tâm đưa vợ con vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh.
Trước đó, nhiều lần nghỉ hè, vào Sài Gòn thăm bà con, ông để ý cung cách làm ăn ở trong này, cũng ăn thử mì Quảng, nhưng không bằng ở quê. Ông viết thư bàn với vợ vào dây làm ăn, nhưng bà không chịu. Lúc đó ông nói với vợ: "Nếu vậy thì em và các con cứ ở quê, anh làm ăn trong này rồi thỉnh thoảng về thăm." Nhưng nghĩ kĩ thì thấy cách đó cũng không ổn, vì xa vợ con cũng khó làm ăn, dành dụm. "Khi chọn Sài Gòn để lập nghiệp tôi nghĩ: Ở Sài Gòn trừ khi mình làm biếng thì mới thất nghiệp, chứ nếu siêng thì không sợ. Không làm việc này thì làm việc khác. Còn ở quê dù siêng năng cũng vẫn bị nghèo - ông Võ Văn Sâm tâm sự.
Dắt díu vợ con vào Sài Gòn, ông cầm trong tay hơn năm cây vàng là số tiền bán hết cả nhà cửa, tài sản, chỉ đủ mua một nửa miếng đất 52 m2 ở phường 10, quận Tân Bình (phải nhờ ông cậu mua nửa miếng đất còn lại). Rồi ông mua tôn về cất nhà ở, xung quanh che bằng bìa các-tông. Mỗi sáng, ông đạp chiếc xe xích lô thuê lại của người ta 3 ngàn đồng/ ngày chở ba đứa con (đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi) đi học. Vợ ông quẩy gánh mì Quảng đi bán dạo khắp phố. Hằng ngày, ông đặt chỉ tiêu phải có đủ 80 nghìn đồng mới về nhà. Không đủ chỉ tiêu, ông ngủ qua đêm trên xe để mai kiếm sớm.
Bí quyết thành công
Công việc bán mì Quảng của vợ ông khá suôn sẻ nhưng do bán ở vỉa hè nên bị chính quyền cấm. Ông tìm thuê mặt bằng ở đường Võ Thành Trang, mở tiệm lấy tên Mì Quảng Sâm cho vợ bán. Còn mình vẫn đạp xích lô. Đến khi thấy việc bán mì Quảng phát triển, ông nghỉ đạp xích lô về phụ vợ bán mì. Việc buôn bán vừa ăn nên làm ra thì chủ lấy lại mặt bằng. Khi vợ chồng ông dọn đi, chỗ đó lại mọc lên quán mì Quảng. Hơn mười lần di chuyển như thế, đến năm 2004, ông may mắn gặp được chỗ cho thuê dài hạn và buôn bán đến giờ. Ông rút ra bài học: Muốn kinh doanh thuận lợi, phát triển thì quan trọng là mặt bằng có địa thế tốt và không lệ thuộc để đầu tư, cơ sở vật chất của tiệm. Tôi rút ra sự thành công của mình là từ chất lượng món ăn lúc nào cũng mới, nóng và tươi chứ không có đồ ăn cũ. Khi họ ăn ngon, thì họ sẽ tới nữa, rồi dần dần đông khách. Cách phục vụ, giao tiếp phải tận tình, niềm nở", ông nói.
Không chỉ giỏi buôn bán, ông còn làm thơ khá hay. Tết năm 1995, ông viết bài thơ “Xuân nhớ mẹ”. Sau đó bài thơ được in trong tập Thơ đất Quảng, có những câu cảm động: "…Xuân xa xứ mọi người thi nhau chúc/ Con ngồi đây quay quắt nhớ quê nhà… Thương con đã bao lần mẹ khóc/ Trải nhọc nhằn lo cái học cái ăn/ Những bữa cơm cà muối, canh măng/ Gắp ánh trăng vàng, nụ cười rạng rỡ…".
Niềm hạnh phúc của vợ chồng ông bây giờ không chỉ là việc làm ăn phát đạt, nhà cửa đàng hoàng mà là ba người con đã học đại học và có bốn đứa cháu ngoan